Vận động sau nhồi máu cơ tim

Vận động sau nhồi máu cơ tim

Sau nhồi máu cơ tim (NMCT), về nhà bệnh nhân cần tiếp tục chữa trị.

Việc có ngăn ngừa được nhồi máu cơ tim tái phát hay không phụ thuộc cơ bản ở nghị lực, lạc quan và hiểu biết của bản thân người bệnh. Để đẩy lùi nguy cơ dễ tái phát của NMCT, sau NMCT chữa lành, đã ra viện, về nhà bệnh nhân cần tiếp tục điều trị. Bên cạnh việc dùng thuốc, rất nhiều biện pháp không dùng thuốc nữa góp phần hỗ trợ điều trị phòng bệnh, ngăn ngừa tái phát NMCT.

Tăng cường hoạt động thể lực phù hợp

Phòng ngừa tái phát sau NMCT cần tăng cường vận động thể chất phù hợp như đi bộ, chạy chậm, đi xe đạp hoặc 1 bài thể dục tự chọn. Mỗi ngày 30-60 phút. Tùy từng thể bệnh nặng hay nhẹ. Dựa vào ý kiến của thầy thuốc khi làm nghiệm pháp điện tâm đồ gắng sức, bản thân người bệnh cũng tự “lắng nghe cơ thể mình” tự tập ở mức độ nào mà cơ thể thấy dễ chịu và sau tập khoảng 5-10 phút huyết áp và mạch trở lại như trước khi tập thế là đạt yêu cầu, không lạm dụng thể dục thể thao vì không phải càng tập nhiều càng chóng khỏi bệnh.

Mặt khác cần theo dõi cân nặng, ngừa thừa cân, béo phì, bỏ hút thuốc lá. Trách nhiệm của bản thân người bệnh là thay đổi lối sống, tái hút thuốc lá ngay trước khi ra viện. Đồng thời phải kiểm soát huyết áp dưới 140/90mmHg (dưới 130/80mmHg ở bệnh nhân đái tháo đường hay bệnh thận mạn tính) bằng thuốc và thay đổi lối sống. Bổ sung bằng nếp sống năng hoạt động thường ngày như chăm sóc cây, làm việc nhà, sử dụng cầu thang bộ, đi xe đạp xen kẽ vào thời gian làm việc... từng bước nâng dần mức độ luyện tập để trở lại hoạt động với công việc đời thường. Dũng cảm đối mặt sống chung với trái tim có NMCT bằng tâm lý an nhiên, thanh thản. Khi có các triệu chứng tái phát, bệnh nhân ngậm 1 viên nitroglycerin dưới lưỡi và gọi xe cấp cứu đến bệnh viện ngay.

Chế độ dinh dưỡng sau NMCT

Chế độ ăn uống của bệnh nhân cần thực hiện là: ăn kiêng. Không sử dụng các loại mỡ động vật trong khẩu phần ăn; Sử dụng dầu ăn thực vật (tốt hơn cả là dầu oliu); Chất béo nói chung không quá 30% khẩu phần ăn; loại bỏ hoàn toàn các loại bơ khi nấu nướng; tránh các thực đơn món ăn có chứa lượng cholesterol; Giảm sử dụng muối và các axit béo.

Bổ sung vào chế độ ăn các thực phẩm hải sản từ cá, tôm, sò biển... Tăng sử dụng rau xanh, các chất xơ, hoa quả tươi. Có thể ăn các loại cháo loãng và cháo hầm; Đồ ăn nhẹ tương tự như các sản phẩm từ sữa chua, các món canh (súp) dễ ăn và nước rau củ nghiền, luộc hấp. Kiêng các món ăn chiên, rán và mỡ. Cần lưu ý đến giới tính của bệnh nhân. Nữ giới cần giảm chỉ số đường huyết, còn nam giới giảm chỉ số cholesterol máu. Chế độ ăn khi bị nhồi máu cơ tim loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm lúa mạch và các món ăn có chứa đường và mỡ. Thực hiện một chế độ dinh dưỡng nghèo năng lượng không chỉ giúp giảm cân mà còn giảm chỉ số cholesterol trong máu.

Tuân thủ điều trị và khám sức khỏe định kỳ

Nhồi máu cơ tim (NMCT) là một bệnh lý tim mạch nguy hiểm thường xảy ra khi một vùng cơ tim bị tổn thương, hoại tử do các động mạch vành bị tắc nghẽn làm ngưng đột ngột sự cung cấp máu đến nuôi cơ tim. Những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị NMCT cấp hiện nay bao gồm các biện pháp: Điều trị can thiệp động mạch vành (với hút huyết khối, nong bóng, đặt stent), tiêu sợi huyết hoặc mổ mở cấp cứu và điều trị nội khoa.

Các thuốc được sử dụng trong điều trị NMCT giúp nhanh chóng khôi phục lưu thông máu ở động mạch vành, giảm đau...Người bệnh cần tuân thủ theo dõi và dùng thuốc theo chỉ định của các bác sĩ để ngăn ngừa các biến cố có thể xảy ra... Tuân thủ điều trị và khám lại định kỳ để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.

Thuốc chống ngưng tập tiểu cầu: giảm khả năng tạo huyết khối, ngăn ngừa tái phát NMCT hiện nay bệnh nhân sẽ duy trì một loại trọn đời thường là aspirin. Đã có nhiều trường hợp tái nhập viện do tình trạng đau ngực và được chẩn đoán là hẹp hoặc tắc lại trong stent mà nguyên nhân hay gặp nhất chính là sự không tuân thủ điều trị của bệnh nhân.

Thuốc ức chế men chuyển hoặc thuốc chẹn thụ thể: Giảm tỷ lệ tử vong, giảm tái cấu trúc cơ tim sau nhồi máu, điều trị suy tim. Thuốc sẽ được các thầy thuốc căn chỉnh liều để đạt hiệu quả cao nhất cho bệnh nhân và được dùng kéo dài sau NMCT.

Thuốc chẹn beta giao cảm: Giảm biến cố rối loạn nhịp, điều trị suy tim, giảm tỷ lệ tử vong. Thuốc cũng được dùng kéo dài và người bệnh cần phải khám lại thường xuyên để thầy thuốc lâm sàng chỉnh liều tốt nhất cho bệnh nhân. Thuốc nhóm statin: điều trị rối loạn mỡ máu, có vai trò quan trọng trong bảo vệ tim mạch với khả năng chống viêm thành mạch, ổn định mảng xơ vữa.

Thuốc lợi tiểu: Điều trị triệu chứng, cải thiện chuyển hóa tế bào cơ tim...

Như vậy đối với bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim việc dùng thuốc là bắt buộc. Bên cạnh đó các mạch máu và mô tim phụ thuộc rất nhiều vào các biện pháp không dùng thuốc chính là chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và tập luyện.
BS. Trần Văn Tuấn

Nguồn: Báo Sức Khỏe và Đời Sống

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

  • Về đầu trang
  • DÀNH CHO BỆNH NHÂN

    DÀNH CHO BÁC SĨ